z5680892853754_49f759bd705fc702b75c52b27b179a90

Kỹ thuật canh tác

QUY TRÌNH SẢN XUẤT GIỐNG LÚA OM380 – Đông Nam Seed

Tháng tám 06, 2024

QUY TRÌNH SẢN XUẤT GIỐNG LÚA OM380 – Đông Nam Seed

  • ĐẶC TÍNH GIỐNG

+ TGST lúa cấy (ngày): 90-95                 TGST lúa sạ (ngày): 85-90

+ Chiều cao cây (cm): 80-90

+ Khối lượng 1000 hạt (g): 26-29

+ Năng suất vụ Hè Thu (tạ/ha): 50-70 tạ/ha

+ Năng suất vụ Đông Xuân (tạ/ha): 60-80 tạ/ha

+ Khả năng chống chịu sâu bệnh (giống có tính kháng hoặc không): Giống có khả năng kháng vừa bệnh đạo ôn (điểm 5) và rầy nâu (điểm 5); Khả năng chịu mặn tốt.

+ Dạng hạt gạo (dài/ngắn/trung bình): Trung bình

+ Chất lượng gạo: Gạo trắng trong, hàm lượng Amylose 25%.

+ Chất lượng cơm: Cơm mềm ngon, vị đậm

  • CHỌN RUỘNG SẢN XUẤT GIỐNG
  1. Chuẩn bị đất: Chọn ruộng có độ phì khá, bằng phẳng, chủ động tưới tiêu, sạch cỏ dại và sâu bệnh, không có lúa vụ trước mọc lại, ít bị tác động bởi các điều kiện ngoại cảnh bất thuận.
  2. Cách ly: Ruộng giống phải được cách ly với các ruộng lúa xung quanh theo qui chuẩn Việt Nam “Hạt giống lúa – Yêu cầu kỹ thuật” (QCVN 01 – 54:2011/BNNPTNT).
  3. Thời vụ: Thích hợp gieo sạ tất cả các vụ trong năm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

– Vụ Đông Xuân: Xuống giống từ tháng 12 và thu hoạch vào tháng 3 năm sau

– Vụ Hè Thu: Xuống giống từ tháng 4 và thu hoạch vào tháng 7

– Vụ Thu Đông: Xuống giống từ tháng 8 và thu hoạch vào tháng 11

  • KỸ THUẬT GIEO VÀ CHĂM SÓC
  1. Làm đất: Đất được vạt bờ, làm vệ sinh sạch sẽ xung quanh ruộng, cày bừa kỹ, trục nhuyễn, chia băng từ 2 – 2,5m, giữa các băng có rãnh thoát nước, bón lót phân nếu có điều kiện.
  2. Giống: Giống sử dụng có nguồn gốc từ hạt giống nguyên chủng.

– Lượng giống gieo sạ hàng từ 80 – 100 kg/ha

– Lượng giống gieo sạ lan từ 100 – 120 kg/ha

Cách ngâm ủ giống: Đổ giống vào trong nước ngâm 24 giờ, sau đó vớt ra rửa sạch hết mùi chua, đem ủ 36 – 48 giờ tùy theo điều kiện thời tiết là gieo được.

Chú ý: Cần thiết phải ủ cho thật đủ ấm, mỗi ngày chỉ tưới nước và đảo đều lúa giống một lần.

  1. Gieo hạt: Nên rút cạn nước để gieo cho thật đều, trong trường hợp ruộng vẫn còn nước thì gieo xong phải tìm cách tiêu nước ra để mầm lúa khỏi chết làm mất mật độ.
  2. Dặm cây: Sau gieo khoảng 15 – 18 ngày tiến hành dặm thật sớm một số chỗ bị chết giúp cho sự đồng đều của ruộng được tốt hơn.

Chú ý: Nhổ các cây trong cùng ruộng giống để dặm, tránh lẫn giống.

  1. Phân bón: Lượng phân bón cho 1 ha:

Vụ Đông Xuân: 90 – 110kg N + 40 – 50kg P2O5 + 30 – 50kg K2O

Vụ Hè Thu hoặc Thu Đông: 75 – 85kg N + 50 – 60kg P2O5 + 30 – 50kg K2O

Lần 1: 10 – 12 ngày sau khi gieo bón 300kg lân + 90kg urê + 20kg kali/ha

Lần 2: 20 – 25 ngày sau khi gieo bón 120kg urê + 40kg kali/ha

Lần 3: 42 – 45 ngày sau khi gieo bón 80kg urê + 60kg kali/ha

Vào thời điểm lúa trổ lác đác có thể bón thêm 30kg urê/ha để giúp lúa trổ nhanh.

6. Điều khiển nước trong ruộng lúa: Lúa gieo sạ: sau khi gieo 7 – 10 ngày, việc cần thiết là phải giữ đều mực nước trong ruộng từ 3 – 5 cm nhằm giúp lúa đẻ khỏe. Tùy từng giai đoạn của cây lúa để điều khiển mực nước cho thích hợp.

  • PHÒNG TRỪ CỎ DẠI VÀ SÂU BỆNH
  1. Phòng trừ cỏ dại: Làm đất kỹ, sử dụng một trong các loại thuốc tiền nảy mầm, nếu còn sót thì tiếp tục sử dụng thuốc hậu nảy mầm, có thể làm cỏ bằng tay bổ sung. Phải đảm bảo ruộng sạch cỏ trước khi thu hoạch.
  2. Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên thăm đồng kiểm tra sâu bệnh để phòng trừ kịp thời, lưu ý một số đối tượng gây hại chính như: Bọ trĩ, rầy nâu, sâu đục thân,…; Bệnh đạo ôn, khô vằn, lem lép hạt,…
  3. KHỬ LẪN: Trong sản xuất lúa giống nguyên chủng khử lẫn là khâu rất quan trọng bắt buộc phải thực hiện để đảm bảo hạt giống đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng hạt giống lúa (QCVN 01 – 54:2011/BNNPTNT).

Lần 1: 10 – 15 ngày sau gieo nhổ bỏ các cây lúa có đặc điểm khác so với cây đúng giống về chiều cao, màu sắc lá, màu gốc thân, … lưu ý loại bỏ lúa chét.

Lần 2: Khi lúa trỗ 50% quan sát những cây lúa trỗ sớm hơn, các cây cao hơn, thấp hơn, góc lá đòng, dạng bông, dạng hạt, màu nhị, râu,… nhổ loại bỏ khỏi ruộng.

Lần 3: Trước thu hoạch 7 – 10 ngày quan sát góc lá đòng, màu sắc lá đòng, kích thước bông, dạng xếp hạt, màu sắc hạt, chiều cao cây, … cắt bỏ sát gốc mang ra khỏi ruộng.

Chú ý: đối với nhóm trung ngày và dài ngày cần khử lẫn sớm loại bỏ những cây ở nhóm ngắn ngày.

  • THU HOẠCH VÀ BẢO QUẢN
  1. Thu hoạch:

Dựa vào thời gian sinh trưởng của giống, mùa vụ để xác định thời điểm thu hoạch cho hợp lý, khi bông lúa từ 90 – 95% số hạt chín vàng.

Thu hoạch đúng kỹ thuật, đúng độ chín, tránh trường hợp thu quá xanh hoặc quá chín làm giảm năng suất, chất lượng hạt giống.

  1. Bảo quản:

Sau khi thu hoạch ngoài đồng ruộng mang về phơi hoặc sấy ngay, đảm bảo độ ẩm < 13,5%.

Sau khi phơi, sấy hoàn tất đưa vào chế biến, đóng bao phải có các thông tin đầy đủ về lô giống (tên giống, cấp giống, thời gian thu hoạch, vụ sản xuất, …)

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, thường xuyên kiểm tra để hạn chế dịch hại./.